Thời điểm cuối mùa Xuân, đầu mùa Hạ (tức là từ tháng 4 đến tháng 5) sau mưa và khí hậu ẩm là mùa của nấm hoang dại phát triển mạnh, trong đó có những loại nấm độc, gây tử vong cho người sử dụng.
Các bác sỹ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân không nên ăn nấm mọc hoang dại để đề phòng ngộ độc nấm.
Những loại nấm có màu sắc sặc sỡ thường là nấm độc.
Mỗi năm, cả nước xảy ra hàng trăm ca ngộ độc nấm khiến hàng chục người tử vong, tập trung tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng tỉnh Cao Bằng từ năm 2003 đến 2014 có gần 100 trường hợp ngộ độc nấm, trong đó 18 người tử vong. Vụ ngộ độc nấm lớn nhất được ghi nhận tại tỉnh này là 9 người mắc, sau đó 8 người trong số đó tử vong, mặc dù đã được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Điều trị ngộ độc nấm với chi phí tốn kém hàng trăm triệu đồng (dù có thẻ bảo hiểm y tế) nhưng tỉ lệ tử vong vẫn cao.
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay cả với người có chuyên môn thì việc phân biệt nấm độc với nấm lành cũng không dễ. Do vậy, để đề phòng ngộ độc nấm, người dân không nên ăn những loại nấm mọc hoang dại.
“Không ăn nấm dại, thường mọc ở rừng. Nếu năm nào có mưa, thời tiết ẩm thì năm đó nấm mọc nhiều. Nếu năm nào không mưa thì sẽ ít hơn. Mưa xuống, nấm mọc lên và sau Tết, bà con thường đi rừng. Theo thống kê của chúng tôi, cứ tháng 4 và tháng 5 là gặp nhiều ca ngộ độc nấm nhất”, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.
Các bác sỹ chuyên ngành chống độc cũng khẳng định, nếu ai đó cho rằng: “nấm có màu sắc sặc sỡ là nấm độc hay loại nấm mà côn trùng và động vật ăn được là nấm lành” thì đây là những quan niệm sai lầm, vì trên thực tế có những loại nấm trắng mọc hoang dại lại chứa chất a-ma-tốc-xin cực độc và những loại nấm gây ngộ độc nặng thường xuất hiện triệu chứng muộn, khoảng 6 giờ đồng hồ sau khi ăn mới phát tác.
Ngày: 3/3/2020 - đăng bởi: duonglh89