HỎI: Thưa Thầy, hiện nay có nhiều truyền thống dạy thiền Vipassanà. Làm sao để chúng con nhận biết phương pháp thực hành nào là đúng theo lời Đức Phật dạy?
TRẢ LỜI: Đây là một câu hỏi hay. Nhiều người nghe hành thiền Vipassanà có kết quả nhanh và tốt thì cứ việc tin tưởng và hành theo mà không hề biết phương pháp của người dạy mình đúng hay sai, thật hay giả. Nguyên nhân là vì thiếu nhận thức cơ bản về pháp học. Pháp học ở đây không phải là học hết Tam Tạng kinh điển, mà là có nhận thức đúng cốt lõi của giáo Pháp, nhất là tính chất và mục đích của pháp hành thiền tuệ. Đặc biệt trong thiền tuệ, không những có một số phương pháp sai lầm, cho dù phương pháp đúng mà chỉ hiểu sai một ly thôi cũng không còn là thiền tuệ nữa.
Hiện nay thiền Vipassanà đang phổ biến trên thế giới, nhưng cũng chính vì thế mà sinh ra tình trạng vàng thau lẫn lộn. Điều đó là tất nhiên thôi, nhưng người học thiền thì nên đề cao cảnh giác không nên vội vàng cả tin. Hãy đọc lại cho thật kỹ bài kinh Kalama, để thấy chính đức Phật đã cảnh báo như thế nào về việc tin và hành.
Nhiều người sống chẳng ra gì nhưng lại tự mình cho mình là thiền sư, mà thực chất chỉ là đang thực hiện ý đồ danh lợi... Đơn giản là họ chỉ qua Thái Lan, Miến Điện, Tây Tạng hay Nhật Bản gì đó, hoặc thậm chí chỉ cần nghe được một vài điều từ người khác, và nếu chưa phải là nhà sư thì họ xin tu gieo duyên, rồi sẵn có phương pháp trong tay, nghiễm nhiên trở thành một... "thiền sư"! Chính trong thời mạt pháp này người học Pháp cần phải hết sức cẩn trọng, đừng tự hại mình và tiếp tay cho kẻ phá hoại Phật Pháp. Thầy nói lên sự thật này không phải để chỉ trích ai, mà chỉ nhằm mục đích giúp cho những người đang tìm Đạo không bị đánh lừa.
Có những điều sau đây giúp con thấy ra đúng và sai trong khi tu học:
• Tri kiến (thấy biết) là trụ cột của thiền Vipassanà, tri kiến đúng là hành đúng, tri kiến sai là hành sai.
• Vipassanà có nghĩa là thấy biết như thực, vậy không có gì để hành ngoài thấy biết trực tiếp và chân thực, không qua bất kỳ khái niệm nào. Nói cách khác thấy biết như thực tức là đang hành thiền Vipassanà .
• Dựng lên phương pháp rồi áp dụng để hành và dựng lên đối tượng rồi lấy đó để quán là không phải thiền Vipassanà. Vì cái gì được dựng lên đều là khái niệm, không phải là thực tánh pháp tự nhiên.
• Có hứa hẹn sở đắc không phải là thiền Vipassanà. Hứa hẹn là tương lai, trong khi thiền Vipassanà hoàn toàn xảy ra trong hiện tại. Có sở đắc tức có bản ngã và ngã sở, hay nói cách khác là đồng hóa ngã với pháp (ngã chiếm hữu pháp), thì không thể nào thấy được ba tính chất vô thường, khổ, vô ngã của Pháp tánh tự nhiên.
• Phương pháp nào nhằm diệt khổ, được lạc không phải là thiền Vipassanà, ngược lại, hành Vipassanà là loại bỏ mục đích diệt khổ để được lạc, vì ý muốn diệt khổ là tâm sân, ý muốn được lạc là tâm tham. Pháp thiền Vipassanà dạy rằng khi chánh niệm tỉnh giác không để tham sân xen vào. Nếu không, không phải là hành thiền theo Đạo Đế mà đang hành theo Tập Đế. Nói rõ hơn là đang hành theo tiếng gọi của bản ngã tham sân si.
• Không áp dụng bất cứ kiến thức nào để hành thiền Vipassanà, dù đó là kiến thức Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), trừ phi kiến thức đó không còn là khái niệm mà là thực tại hiện tiền. Ví dụ như không phải kiến thức về thân, thọ, tâm, pháp mà là trực nhận thân trên thân, thọ trên thọ, tâm trên tâm, pháp trên pháp.
• Không áp dụng bất cứ khuôn khổ, phương pháp hay ý niệm nào đã định sẵn vào pháp hành Vipassanà, vì như vậy là lấy quá khứ chụp mũ pháp, bóp méo pháp hiện tại chứ không phải tôn trọng pháp nguyên vẹn như nó là để thấy ra thực tánh. Pháp gì bị khuôn định sẵn thì không phải là pháp thực tại vận hành tự nhiên. Không bao giờ có thể thấy thực tánh ngoài pháp thực tại tự nhiên. Phương pháp chỉ có thể đem đến lợi ích tục đế nhưng không thể chứng ngộ chân đế.
• Tất cả những pháp thấy ra trong khi thiền định (mà người ta thường lầm là thiền tuệ!) đều do tưởng sinh, tuyệt đối không phải là thực tánh pháp. Thực tánh Pháp không phải là ảo ảnh, dù đó là ảo ảnh do định sinh, trừ phi thấy bản chất của nó là tưởng.
• Nếu có người nói họ đã đắc pháp này pháp nọ, thì dù có thực đó cũng chỉ là kinh nghiệm. Trí tuệ Vipassanà không phải để thu thập kinh nghiệm mà chính là hóa giải mọi kinh nghiệm sở đắc, vì kinh nghiệm chỉ làm giàu bản ngã.
• Đừng vội tin những gì thiền sư nói mà hãy xem những gì thiền sư ấy thể hiện trong đời sống hàng ngày. Một vị thiền sư không thể dạy đúng khi tự mình không sống đúng. Đó là lý do vì sao trong Thiền Tông người ta dùng từ khám nghiệm để chỉ sự khám phá chính mình hay khám phá một thiền sư thực ngộ hay chỉ là giả ngộ.
• Một vị thiền sư có đạo đức chưa hẳn đã giác ngộ, nhưng thiền sư đã giác ngộ luôn luôn có đạo đức. Người đạo đức là tốt và đáng kính nhưng nếu chưa giác ngộ thì chưa hẳn dạy thiền đúng. Cần phải phân biệt rõ hai điều này...
Thầy Viên Minh
(yenlang.net)
---
Đăng ký thiền Vipassana tại Link:
https://www.dhamma.org/vi/courses/search