CÁC CON CẠNH TRANH VỚI TRÍ TUỆ NHÂN TẠO NHƯ THẾ NÀO VÀ CẦN CHUẨN BỊ GÌ??

CÁC CON CẠNH TRANH VỚI TRÍ TUỆ NHÂN TẠO NHƯ THẾ NÀO VÀ CẦN CHUẨN BỊ GÌ??

“Nếu con bạn sinh từ năm 2010-2017 thì khoảng sau năm 2030 chúng sẽ bắt đầu đi làm. Bạn muốn con là bác sĩ, nhà báo, ... nhưng có thể việc làm đó không còn tồn tại vào năm 2030 vì 2 tỉ việc làm sẽ biến mất vào tay rô bốt và trí tuệ nhân tạo.

CAC-CON-CANH-TRANH-VOI-TRI-TUE-NHAN-TAO-NHU-THE-NAO-VA-CAN-CHUẨN-BI-GI-26

 

Bạn muốn con học tiếng Anh từ bé nhưng có thể đến 2030, phần mềm Google Translate có thể là phiên dịch viên cho tất cả mọi tài liệu và cuộc giao tiếp.

Bạn muốn con học chữ, học số từ mẫu giáo nhưng rô bốt còn học nhanh hơn.

Vậy con cái chúng ta sẽ làm gì? Và chúng ta cần dạy con những gì để chuẩn bị cho tương lai 4.0?

Một nghiên cứu ở Đại học Oxford đã đưa ra kết luận 2 tỉ việc làm tương đương với khoảng một nửa dân số thế giới hiện tại sẽ biến mất vào năm 2030. Điều này không có nghĩa là một nửa dân số thế giới sẽ thất nghiệp mà là chúng ta không biết những cơ cấu việc làm trong tương lai sẽ như thế nào. Ví dụ, những người ở thập niên 90 khó mà tưởng tượng những công ti truyền thông xã hội như Facebook lại có giá trị 200 tỉ đô như ngày hôm nay. Công nghệ tự lái, thiết bị sản xuất điện gia đình, công nghệ in 3D, rô bốt và trí tuệ nhân tạo cùng hàng loạt phát minh công nghệ khác dự kiến sẽ làm nhiều công việc hàm lượng kĩ thuật thấp và không còn phù hợp biến mất.

Chúng ta có thể chuẩn bị cho con những gì?

Nhiều người cho rằng nên cho trẻ học toán, ngôn ngữ từ sớm nhưng các nhà tuyển dụng lại kêu ca về các ứng viên thiếu kĩ năng và sáng tạo, học hỏi.

Nhiều người bảo nên dạy trẻ tiếng Anh từ sớm nhưng tương lai Google Translate có thể làm tất cả mọi công việc phiên dịch.

Nhiều người bảo nên dạy con về phần mềm, lập trình và coding nhưng tương lai có thể phần mềm sẽ tự viết phần mềm.

Vậy chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho một tương lai khó có thể dự báo trước?

Báo cáo tại diễn đàn kinh tế thế giới với nội dung “Chuẩn bị cho tương lai công việc của con người” cho rằng: “Rất nhiều hệ thống giáo dục hiện tại đã hoàn toàn không có những kĩ năng cần cho thị trường lao động hiện đại bởi vì tập trung vào kĩ năng đọc hoặc học các môn truyền thống hơn là kĩ năng giải quyết vấn đề, sáng tạo và hợp tác."

Một báo cáo tương lai nghề nghiệp đã chỉ ra rằng những kĩ năng cần thiết nhất mà trẻ cần để sóng sót trong thời đại Cách mạng công nghiệp thứ 4 là: giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện và sáng tạo.

Jonathan Mugan, một chuyên gia khoa học máy tính cho rằng Công nghệ có thể làm 2 việc: khiến xã hội thay đổi nhanh hơn và cho chúng ta nhiều lựa chọn hơn. Nhưng rô bốt không có sự tò mò và sáng tạo như những đứa trẻ 4 tuổi. Sự tò mò là thiết yếu để thích nghi với sự thay đổi của công nghệ. Sự sáng tạo cho phép trẻ tận dụng những lựa chọn của công nghệ tốt hơn.

Như vậy có thể thấy các báo cáo và nghiên cứu, dự đoán khá trùng hợp nhau về những kĩ năng cần thiết nhất phải trang bị cho trẻ: sáng tạo, ham học hỏi và kĩ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện. Nhưng làm thế nào để chúng ta dạy trẻ những kĩ năng đó?

1. HÃY ĐỂ TRẺ CHƠI NHIỀU HƠN

Một kiểm tra khả năng tư duy sáng tạo đã tìm ra 98% trẻ mầm non có khả năng sáng tạo thiên tài. Khả năng này sẽ giảm đi khi chúng theo học chương trình giáo dục phổ thông và đến tuổi 25, chỉ có khoảng 3% còn có khả năng sáng tạo thiên tài.

Một nghiên cứu ở New Zealand đã so sánh những đứa trẻ học đọc từ lúc 5 tuổi và những đứa học lúc 7 tuổi bằng việc kiểm tra khả năng đọc của chúng vào năm 11 tuổi. Cả 2 nhóm có khả năng đọc tương đương nhau nhưng những đứa trẻ học đọc năm 7 tuổi cho thấy khả năng nhận thức tốt hơn. Một trong những lí do để giải thích cho kết quả này là bởi vì chúng có nhiều thời gian để khám phá thế giới xung quanh bằng cách chơi.

Rõ ràng, để chuẩn bị cho trẻ trong tương lai chúng ta cần định nghĩa lại việc học tập của trẻ, có cần tập trung vào khả năng nhận thức không? Biết đọc, viết và làm toán vẫn rất quan trọng để trẻ mở cánh cửa thế giới. Nhưng như đã dự báo, thế giới thay đổi liên tục và mỗi người sẽ có khoảng 6 lần thay đổi hoàn toàn công việc trong cuộc đời mình. Vậy làm thế nào để trẻ vẫn duy trì được khả năng học hỏi để sống sót? Câu trả lời đơn giản hơn bạn nghĩ. Đó là hãy để cho trẻ có thật nhiều trải nghiệm vui chơi và tích cực.

Các dạng trò chơi khác nhau sẽ giúp trẻ phát triển kĩ năng xã hội, cảm xúc, thể chất và cả tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện bên cạnh khả năng nhận thức.

2. HÃY CHO TRẺ SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ MỘT CÁCH THÔNG MINH

Thời đại của con cái chúng ta sẽ là thời đại của rô bốt, của trí tuệ nhân tạo và công nghệ. Chúng ta không thể cấm con sử dụng iphone, ipad, máy tính, chơi game, xem ti vi, … vì đó sẽ là một phần của thế giới tương lai và chúng cần học từ bây giờ. Nhiều người còn quan điểm trẻ cần học kĩ năng lập trình và máy tính từ tiểu học tốt hơn.

Nhưng đừng để trẻ trở thành nô lệ của công nghệ, ipad, ti-vi và điện thoại. Hãy để trẻ kiểm soát các công nghệ đó và biết sử dụng chúng hiệu quả bằng cách giới hạn thời gian sử dụng và chọn lọc, kiểm soát những gì bé được xem trên điện thoại, ti-vi. Thay vào đó, dành nhiều thời gian để kết nối với mọi người, với thiên nhiên, đề chơi và vận động. Và khi trẻ sử dụng công nghệ, hãy khơi gợi trí tò mò của trẻ với những sản phẩm công nghệ và khuyến khích chúng tìm hiểu về công nghệ, về game, về lập trình một cách nghiêm túc thay vì chỉ thụ động sử dụng chúng.

3. HÃY NUÔI DƯỠNG SỰ TÒ MÒ VÀ HAM HỌC HỎI CỦA TRẺ

Nuôi dưỡng bằng cách đừng ngại ngần và khó chịu khi trẻ hỏi 1000 câu hỏi tại sao mỗi ngày, mà cũng đừng luôn luôn trả lời trẻ. Hãy hỏi trẻ: “Thế con nghĩ thế nào?” hay: “Theo con thì tại sao nhỉ?”. Khi hỏi, thường trẻ đã có một câu trả lời sẵn trong đầu về vấn đề đó, dù khá là “không thực tế” nhưng hãy khuyến khích trẻ tư duy để giải thích vấn đề, chấp nhận câu trả lời của con.

Hơn nữa, hãy đọc sách cho trẻ, hãy đưa trẻ đến nhiều nơi, gặp nhiều người, thấy nhiều thứ để trẻ thấy thế giới có biết bao điều khác biệt và rộng lớn ngoài kia để học hỏi và khám phá.

4. HÃY CHO TRẺ MỘT CUỘC SỐNG TINH THẦN TRÀN NGẬP TÌNH YÊU

Để chuẩn bị cho trẻ trong thời đại thay đổi chóng mặt hiện nay, có một quan điểm rất lạ đời nhưng cực kì chuẩn xác: “Đầu tiên, hãy chắc chắn rằng những đứa trẻ có niềm tin, gia đình và bạn bè thật bền vững để đi đúng hướng. Sau đó, hãy khuyến khích tinh thần khám phá, học hỏi và đặt câu hỏi, thắc mắc. Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng dù công nghệ tiến bộ thế nào và trẻ tiếp cận bao nhiêu, chúng sẽ vẫn hiểu tầm quan trọng của việc kết nối, giao tiếp với mọi người”

Dù thời đại thay đổi đến đâu, con người vẫn cần tình yêu thương, cần sự kết nối và giao tiếp, cần cảm thấy hạnh phúc và sự vui vẻ, thỏa mãn trong tinh thần. Vì thế, đừng để công nghệ hay bất kì thứ gì khiến trẻ bị đánh mất chúng. Hãy dạy con hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận niềm hạnh phúc khi thấy chiếc lá đâm chồi, nhặt được một chiếc vỏ ốc đẹp hay trò chuyện, giúp đỡ một ai đó thú vị. Hãy trò chuyện, dành thời gian cho nhau, nói lời yêu thương với con thật nhiều nhé! Đó là những giá trị không bao giờ mất đi, dù thời đại 4.0 hay 10.0.

Để con chơi, hạn chế công nghệ và cùng chơi với con không phải là lạc hậu mà bạn đang đi trước thời đại 4.0 đấy!"

PHUONG NGUYEN, tổng hợp
queanhcc8 chia sẻ lại

 

Link gốc: https://www.facebook.com/QuangEssence/posts/2974751469207704

Nguồn: Fb. Minh Hường Lưu

Ngày: 2/9/2019 - đăng bởi: PhuongDT
PhuongDT 06/12/2020 09:05:51 PM

Tag: #Bài viết



:

----------------