Thiền là gì (Phần 2)

Thiền là gì (Phần 2)

Lưu ý: tôi viết bài này dựa trên hiểu biết và trải nghiệm cá nhân! Không vì mục đích chứng minh hay thuyết phục gì. Tôi ghi lại để chúng ta cùng cảm nhận và chia sẻ.

-----

Tâm trí rất tuyệt vời, nó có ích trong việc tính toán quỹ đạo của trái đất quay xung quanh mặt trời, nó giúp ích để lên kế hoạch, hoạch định, .v.v. Chúng ta được học rất nhiều môn liên quan tới Tâm trí như toán học, vật lý, .v.v. và cả những môn ít liên quan hơn như văn và vẽ chúng ta cũng học phương pháp viết văn nghị luận, phương pháp làm thơ lục bát, .v.v. :-)

 

Tâm trí rất tuyệt vời, nhưng nó có hạn chế của nó.

Thiền là Vô Tâm trí.

 

Phần trước chúng ta đã trao đổi về Tâm trí, phần này chúng ta chia sẻ về từ VÔ. Anh Ngô Trung Việt khi dịch sách Osho sử dụng rất nhiều từ VÔ: vô sợ hãi, vô tâm trí, vô ham muốn, vô sở hữu, .v.v. Anh Việt sử dụng từ Vô rất hay.

Tâm trí chỉ quen với 2 trạng thái: hoặc có hoặc không, hoặc đúng, hoặc sai. Vì vậy, logich học hình thức đã đưa điều này vào 1 trong 4 tiên đề: Hoặc A đúng hoặc phản A đúng. Tâm trí quen với tư duy hoặc bạn ngủ hoặc bạn thức; hoặc bạn biết hoặc bạn không biết. Tâm trí không thể hiểu nổi trạng thái thứ 3 – trạng thái VÔ. Thiền thì lại chính là trạng thái thứ 3: Không thức không ngủ.

 

  • Trạng thái thứ 1 – THỨC: Ban ngày, tâm trí bạn lăng xăng, rất nhiều ý nghĩ đến và bạn bị điên đầu bởi suy nghĩ và suy nghĩ. Vì vậy, người ta bảo thiền là việc dừng lại suy nghĩ.
  • Trạng thái thứ 2 – NGỦ:  Ban đêm, trong giấc ngủ bạn không nhận biết được gì, bạn không cảm nhận được gì. Có chăng chỉ là giấc mơ mà bạn không thể kiểm soát được. Giấc ngủ là cái chết ngắn.
  • Trạng thái thứ 3 – THIỀN: Trong thiền, tâm trí dừng lại, bạn không miên man trong suy nghĩ. Ý vừa khởi lên thì đã được nhận biết và Ý nghĩ không kéo bạn đi. Trong thiền, bạn vẫn quan sát, nhận biết, bạn không bị rơi vào giấc ngủ, vào bóng tối của vô nhận biết.

 

Thiền là trạng thái thứ 3, là ranh giới, lơ lửng giữa 2 trạng thái 1 và 2. Đó là cái đẹp của Thiền, đó là cái khó của Thiền. Bạn tích cực quá, thì tâm trí bạn hoạt động mạnh, bạn bị nó lôi vào tương lai hay quá khứ. Bạn lười nhác quá thì bạn rơi vào trạng thái hôn trầm – đờ đẫn.

Tâm trí không thể hiểu được trạng thái thứ 3, nó luôn tranh luận một cách rất hợp lý: Nếu bạn không cố gắng, bạn sẽ lười nhác; nếu bạn không ham muốn thì bạn chẳng có động lực.

Thiền giúp bạn trải nghiệm trạng thái thứ 3 – giúp bạn cảm nhận thế giới mới, cơ hội mới, cuộc sống mới.

 

Thiền là Vô Tâm trí.

 

Thiền không phải là đờ đẫn do không suy nghĩ. Thiền là Nhận biết! Không suy nghĩ nhưng vẫn Nhận biết!

Nếu Descartes sống lại ông ta sẽ bảo là điên khùng vì Descartes có phát biểu nổi tiếng: “Tôi tư duy là Tôi tồn tại”. Tôi học 7 năm ở châu Âu (Hungary) – tôi hiểu phần nào văn hoá Phương Tây. Theo tôi, những người duy lý rất khó chấp nhận điều này. Và họ vẫn tranh cãi, tranh cãi, họ viết ra rất nhiều sách. Nhưng tất cả chẳng ích gì vì chúng chỉ là khái niệm vô hồn :-)

 

Tóm lại, rất nhiều người mệt mỏi bởi Tâm trí, bởi suy nghĩ (mệnh đề A). Theo logich họ đến với mệnh đề ngược lại – phản A: không suy nghĩ. Rất nhiều phương pháp được phát triển để người ta không suy nghĩ:

  • Tập trung vào một việc;
  • Niệm thần chú: một hình thức tự kỷ ám thị;
  • Dùng chất kích thích: thuốc ngủ, bia rượu, .v.v
  • V.v.

Theo trải nghiệm của tôi, Thiền là trạng thái thứ 3 – Vô Tâm trí.

Trong Thiền, người ta tỉnh thức, người ta ý thức trọn vẹn những gì diễn ra, người ta sống trong nhận biết; nhưng người ta không căng thẳng, người ta ung dung và thảnh thơi.

Vì vậy, sau khi Thiền, người ta được tươi mới, được sảng khoái, tươi tắn và tràn đầy năng lượng.

Thiền không phải là không suy nghĩ. Thiền là Vô Tâm trí!

 

 

-----------

Lưu ý: tôi viết bài này dựa trên hiểu biết và trải nghiệm cá nhân! Không vì mục đích chứng minh hay thuyết phục gì. Tôi ghi lại để chúng ta cùng cảm nhận và chia sẻ.

Chúc vui vẻ!

Ngày: 7/9/2014 - đăng bởi: QuangPN
QuangPN 05/17/2021 10:57:00 PM

Tag: #QuangPN



:

----------------